Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tem nhãn gốc không chỉ là yếu tố thể hiện thông tin sản phẩm, mà còn là yêu cầu pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp – dù đã hoạt động lâu năm – vẫn chủ quan hoặc sơ suất trong việc kiểm tra tem nhãn gốc, dẫn đến những hệ lụy không nhỏ về pháp lý, chi phí và thời gian thông quan.
1. Tem nhãn gốc là gì và phải thể hiện những gì?
Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, mọi sản phẩm lưu thông tại thị trường Việt Nam (bao gồm hàng nhập khẩu) đều bắt buộc phải có nhãn hàng hóa và thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định, bao gồm nhưng không giới hạn ở:
- Tên hàng hóa
- Tên và địa chỉ của tổ chức/cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa
- Xuất xứ hàng hóa (Made in...)
- Thông tin định lượng (khối lượng, thể tích, kích thước, số lượng...)
- Thông số kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng (nếu có)
Đặc biệt, với các sản phẩm kỹ thuật, điện tử, linh kiện, máy móc... doanh nghiệp phải đảm bảo có đủ "3M" – ba thông tin tối thiểu sau trên tem nhãn gốc:
- Model – Mã sản phẩm
- Made in – Xuất xứ hàng hóa
- Manufacturer – Tên và địa chỉ của nhà sản xuất
Chỉ cần thiếu 1 trong 3 thông tin trên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt theo quy định hiện hành, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thông quan, chi phí và uy tín doanh nghiệp.
2. Thiếu thông tin trên nhãn gốc: Mức xử phạt thế nào?
Theo Điều 22 – Nghị định 128/2020/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan), việc hàng hóa thiếu nhãn gốc hoặc tem nhãn không đúng quy định có thể bị xử lý như sau:
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 60.000.000 đồng, tùy theo giá trị lô hàng vi phạm
- Hàng hóa có thể bị tạm giữ để xử lý, bổ sung nhãn, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, phát sinh chi phí kho bãi
- Trường hợp nghiêm trọng, lô hàng có thể bị buộc tái xuất hoặc tiêu
- Nhiều doanh nghiệp lầm tưởng đây chỉ là lỗi nhỏ, nhưng trên thực tế, đây là lỗi hành chính nghiêm trọng, đặc biệt với các mặt hàng thuộc danh mục kiểm soát hoặc có giá trị cao.
3. Nguyên nhân thường gặp khiến tem nhãn gốc sai hoặc thiếu thông tin
- Do sơ suất từ phía nhà sản xuất nước ngoài, không nắm rõ quy định nhãn mác tại Việt Nam
- Doanh nghiệp không kiểm tra kỹ nhãn gốc trước khi xuất hàng hoặc chỉ kiểm tra khi hàng đã về đến cảng
- Chủ quan cho rằng “bổ sung sau cũng được”, nhưng trên thực tế, hàng hóa phải có tem nhãn đúng ngay từ khi rời nhà máy/đóng container
- Thiếu cập nhật các quy định mới hoặc các nhóm hàng có yêu cầu nhãn riêng biệt (thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, thiết bị điện...)
4. Giải pháp cho doanh nghiệp để tránh rủi ro về tem nhãn gốc
Để không “đứng hình” ở cảng vì lỗi nhãn gốc, doanh nghiệp cần chủ động và chuyên nghiệp hơn trong khâu chuẩn bị hàng nhập. Dưới đây là những bước cần thực hiện ngay từ trước khi hàng rời khỏi nhà máy:
4.1.Bước 1: Nắm rõ quy định nhãn mác theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP
- Doanh nghiệp cần xác định nhóm hàng hóa mình đang nhập khẩu thuộc lĩnh vực nào (thực phẩm, mỹ phẩm, máy móc, dược phẩm...), từ đó tra cứu các thông tin bắt buộc phải có trên nhãn gốc.
- Lưu ý: Một số nhóm hàng đặc thù có thể yêu cầu thêm các nội dung như: thành phần, chỉ tiêu chất lượng, cảnh báo sử dụng...
4.2. Bước 2: Yêu cầu nhà sản xuất gửi hình ảnh nhãn mác trước khi đóng hàng
- Đây là bước đơn giản nhưng rất nhiều doanh nghiệp bỏ qua hoặc làm qua loa. Việc kiểm tra hình ảnh tem nhãn thực tế trước khi giao hàng giúp doanh nghiệp:
- Kịp thời yêu cầu chỉnh sửa nếu thiếu thông tin 3M
- Tránh tình trạng bị phạt hoặc buộc tái dán nhãn khi hàng đến Việt Nam
- Nên đưa yêu cầu này thành điều kiện bắt buộc trong hợp đồng mua hàng quốc tế (PO/Contract).
4.3. Bước 3: Hướng dẫn và thống nhất tem nhãn với nhà cung cấp ngay từ đầu
- Doanh nghiệp nên soạn trước mẫu tem nhãn phù hợp với quy định Việt Nam và gửi cho nhà sản xuất tham khảo.
- Nếu cần, có thể đề xuất in sẵn tem nhãn phụ tại Việt Nam để bổ sung trước khi thông quan, nhưng phải thực hiện đúng trình tự.
5. Quản lý nhãn mác – việc nhỏ nhưng hệ lụy lớn
- Việc đảm bảo đúng và đủ thông tin trên tem nhãn gốc không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là yếu tố thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín và chuẩn hóa của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng quốc tế.
- Một sai sót nhỏ trên nhãn cũng có thể làm đình trệ cả lô hàng, tăng chi phí, ảnh hưởng đến thời gian giao hàng và uy tín với khách hàng.
- Vì vậy, thay vì khắc phục sau, hãy chủ động phòng ngừa ngay từ đầu. Doanh nghiệp cần xây dựng quy trình kiểm tra nhãn gốc chặt chẽ, phối hợp sớm với nhà cung cấp và luôn cập nhật các quy định mới nhất của pháp luật Việt Nam.
Bạn cũng có thể thích