HƯỚNG DẪN XỬ LÍ CHUYÊN NGHIỆP KHI CONTAINER BỊ RÁCH VỎ, THỦNG LỖ, HỎNG MÓC, NIÊM PHONG (SEAL)

HƯỚNG DẪN XỬ LÍ CHUYÊN NGHIỆP KHI CONTAINER BỊ RÁCH VỎ, THỦNG LỖ, HỎNG MÓC, NIÊM PHONG (SEAL)

 Trong ngành xuất nhập khẩu – logistics, container đóng vai trò quan trọng như một “lá chắn” bảo vệ hàng hóa khỏi những tác động bên ngoài trong suốt hành trình vận chuyển quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp container gặp sự cố như rách vỏ, thủng lỗ, bị móp méo hoặc seal bị hỏng/lỏng trong quá trình lưu kho, vận chuyển nội địa hoặc tại cảng. Những sự cố này, nếu không được xử lý đúng quy trình, có thể gây ra hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng như:

  • Mất an toàn cho hàng hóa, dễ bị thấm nước, bụi bẩn hoặc trộm cắp.
  • Hãng tàu từ chối tiếp nhận container.
  • Chậm tiến độ xuất hàng, lỡ lịch tàu, phát sinh chi phí lưu cont/lưu bãi.
  • Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến nghi ngờ gian lận, mất uy tín với đối tác.

Dưới đây là quy trình xử lý bài bản và chuyên nghiệp khi container gặp sự cố về vỏ hoặc seal: 

1. Kiểm tra hiện trạng & ghi nhận ngay lập tức

Ngay khi phát hiện container có dấu hiệu bất thường (bị thủng, rách, biến dạng hoặc seal có dấu hiệu bị can thiệp), cần ngừng mọi thao tác đóng hàng (nếu đang thực hiện), sau đó:

  • Chụp ảnh rõ nét các chi tiết: Vết rách, móp méo, số container, số seal hiện tại, vị trí và mức độ hư hại.
  • Ghi lại thông tin cụ thể: Thời gian phát hiện, địa điểm, tên người kiểm tra, người chứng kiến (nếu có).
  • Lưu lại bằng chứng số (ảnh/video) để phục vụ làm việc với các bên liên quan như hãng tàu, khách hàng, bảo hiểm.

 Lưu ý: Việc ghi nhận kịp thời không chỉ giúp bạn bảo vệ quyền lợi mà còn là căn cứ quan trọng nếu có tranh chấp sau này.

2. Thông báo ngay cho các bên liên quan

Ngay sau khi phát hiện sự cố, phải chủ động thông báo khẩn cấp đến các đơn vị sau:

  • Chủ hàng (nếu bạn là forwarder).
  • Forwarder/đơn vị xuất khẩu (nếu bạn là kho hoặc tài xế).
  • Hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu.
  • Đơn vị vận tải container nội địa.

Việc thông báo sớm giúp các bên phối hợp xử lý nhanh, kịp thời điều chỉnh lịch trình, đổi container hoặc cập nhật seal mới.

3. Đề xuất phương án xử lý phù hợp với tình huống

Tùy theo mức độ hư hại, bạn có thể đề xuất một trong các phương án sau:

3.1. Trường hợp container rách nhẹ, lỗ thủng nhỏ:

  •  Có thể vá tạm bằng keo silicon chuyên dụng, miễn sao container vẫn đảm bảo kín gió và an toàn cho hàng hóa.
  •  Ghi chú tình trạng container vào biên bản giao nhận hoặc phiếu kiểm tra.  

3.2. Trường hợp container thủng lớn, biến dạng nghiêm trọng:

  • Yêu cầu đổi container mới từ hãng tàu hoặc đơn vị vận tải.
  • Lập biên bản hiện trường xác nhận lỗi thuộc về container, tránh bị quy trách nhiệm về sau.

3.3. Trường hợp seal bị hỏng hoặc có dấu hiệu bị thay đổi:

  • T uyệt đối không tiếp tục đóng hàng nếu seal không còn nguyên vẹn.
  • Đề xuất thay seal mới, đồng thời lập biên bản rõ ràng gồm:
    •  Số seal cũ và mới,
    • Thời gian thay,
    • Người thực hiện và lý do thay.
  • Báo cho hãng tàu hoặc forwarder để cập nhật số seal mới vào booking . 

4. Lập biên bản sự cố đầy đủ, có chữ ký xác nhận

Biên bản cần được chuẩn hóa và có đầy đủ các thông tin sau:

  • Mã container, số seal (trước và sau nếu có thay đổi).
  • Tình trạng cụ thể của container khi phát hiện sự cố.
  • Hình ảnh kèm theo.
  • Chữ ký đại diện các bên liên quan: tài xế, kho, đại diện forwarder, khách hàng (nếu có mặt).
  • Hướng xử lý đã được thực hiện.

 Gợi ý: Nên chuẩn bị sẵn mẫu biên bản để dễ dàng xử lý trong tình huống phát sinh bất ngờ.

5. Theo dõi quá trình xử lý và xác nhận cuối cùng

Sau khi đã xử lý container sự cố, cần tiếp tục theo dõi:

  • Container có được tiếp nhận bởi hãng tàu/chủ hàng không?
  • Hàng hóa có bị ảnh hưởng hoặc phát sinh chi phí do lỗi container?
  • Seal mới có được cập nhật kịp thời trên booking?

Việc theo dõi đến khi container được "accept" là cách đảm bảo không phát sinh rủi ro về sau và tránh bị truy trách nhiệm nếu có vấn đề trong hành trình vận chuyển.

6.Lưu Ý Bổ Sung Cho Người Mới Trong Nghề:

  •  Luôn kiểm tra container trước khi đóng hàng, không được chủ quan. 
  • Nếu không thể đổi container, nên dán cảnh báo vị trí hư hại và xác nhận từ khách hàng.
  • Không tự ý thay seal nếu không được phép – có thể bị nghi gian lận.
  • Việc xử lý sự cố không chỉ cần kỹ năng nghiệp vụ, mà còn là thái độ chuyên nghiệp và trách nhiệm trong công việ  c.

Một container rách vỏ hay hỏng seal tưởng chừng là sự cố nhỏ, nhưng nếu xử lý không đúng, có thể gây hậu quả lớn về chi phí, thời gian và uy tín doanh nghiệp.

Là một nhân sự trong ngành logistics – đặc biệt là những người mới vào nghề – bạn cần hiểu rằng:

"Không ai kiểm tra thay bạn, nhưng khi có sự cố, bạn sẽ là người đầu tiên bị hỏi đến."

Trang bị kỹ năng xử lý sự cố container chính là cách bạn nâng tầm năng lực, tăng sự tin tưởng và thăng tiến trong nghề. 


Bạn cũng có thể thích